Người chụp ảnh
(Bài Sưu tầm)
Rất
nhiều người tìm đến tôi để hỏi nên chọn ống kính nào, máy ảnh gì. Một số ít hơn
muốn được chia sẻ kinh nghiệm và các mẹo chụp ảnh. Chưa có ai hỏi tôi “nhiếp
ảnh là gì”.
(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Thật
ra có người đã hỏi quan niệm của tôi về cách thể hiện ảnh hay đại loại thế,
hoặc là hỏi tôi học chụp ảnh ở đâu. Nói ra thì có nhiều người không tin: tôi
thực sự đã học từ một người chẳng hiểu gì về cái mà chúng ta vẫn gọi là nhiếp
ảnh – một ông già vô danh xa lạ sống ở đâu đó tại nước Ý xa xôi.
Ông
bạn tôi, người mà tôi vẫn quen gọi là Angelo – nickname trên mạng của ông – là
một kỹ sư (hay đại loại thế) đã nghỉ hưu, chỉ có thú vui trồng hoa và đi tản bộ
phố phường.
Đôi
khi tôi cố tưởng tượng ra ông. Có lẽ ông có đôi mắt sẫm màu, tương phản với mái
tóc bạc trắng cắt tỉa gọn gàng. Trang sức ông mang hẳn là một cặp kính và một
chiếc máy ảnh du lịch nhỏ nhắn treo lủng lẳng trước cái bụng to nhờ sợi
dây đeo tròng quanh cổ.
Angelo
dễ tính với vấn đề kỹ thuật. Ông đi và chụp, ghi lại mọi thứ mà ông thấy thích
ở Abruzzo. Một con phố, một đóa hoa, cửa hàng quần áo, bầu trời đầy mây, gốc
cây, ngọn cỏ, dấu chân thỏ hoang trên tuyết,… Mọi thứ.
Tôi
chẳng bao giờ phải tròn mắt kinh ngạc hoặc thốt lên WOW khi xem ảnh Angelo
chụp. Nhưng tôi luôn luôn có thể mỉm cười khi xem những tấm ảnh ấy.
Bạn
tôi nói ông chỉ muốn ghi lại mỗi khoảnh khắc mình sống, mỗi phút giây của đường
đời ông đã đi gần trọn.
Ông
không có ý định mua máy ảnh xịn, trang bị ống kính đắt tiền, cài đặt phần mềm
biên tập phức tạp. Ông chỉ có một chiếc máy gọn nhẹ và đôi giày đủ bền để đi
hết mọi ngóc ngách Abruzzo.
Đôi
khi, tôi tự hỏi, cái gì khiến cho ông già người Ý, mù tịt tiếng Anh và lõm bõm
tiếng Pháp, hiếm khi bố cục một tấm ảnh cho thật tốt, lại dễ gần đến vậy.
Ông
tò mò về quê hương tôi, Việt Nam. Ông háo hức nghe tôi giải thích ý nghĩa tên
mình. Ông hào hứng thử làm theo mọi lời khuyên của tôi, mong có một tấm ảnh ấn
tượng hơn và hài hước gọi tôi là “điều tra viên đệ nhất đẳng của Scotland Yard”
khi tôi thắc mắc tại sao ông chụp cánh cổng của một quán rượu phong cách
Ireland.
Chỉ
có một thứ duy nhất đã kéo chúng tôi qua mọi rào cản địa lý và ngôn ngữ, tuổi
tác và quan điểm chính trị để trở thành bạn nhau: NHIẾP ẢNH.
Ở
trường báo chí, người ta nói những điều to tát về nhiếp ảnh, về những tấm hình
làm rung chuyển thế giới.
Giữa
chúng tôi, hai con người ở hai góc nhỏ xa xôi của thế giới, nhiếp ảnh chỉ là
nhiếp ảnh, một nhịp cầu đơn sơ nối chúng tôi với cuộc sống (và với nhau).
Angelo
luôn luôn mang theo máy ảnh và chụp mọi thứ ông thấy thích. Còn tôi hiếm khi
xách máy ra khỏi nhà mà không có chủ ý. Nhưng chúng tôi đều thích ngắm nhìn
cuộc sống như nhau.
Đôi
khi, tôi bỏ máy ở nhà, đến bên bờ hồ quen thuộc, ngồi vào chiếc ghế đá nhiều kỷ
niệm, tự thưởng cho mình vài phút giây suy tư. Cũng có lúc tôi ngồi trên một
quán cà phê trên nóc một cao ốc nào đấy, ngó xuống con đường đặc kín xe cộ, thở
dài ngán ngẩm cái thành phố xô bồ ngột ngạt này.
Quan
trọng là dù mang máy ảnh hay không, tôi vẫn luôn luôn để ý tới cuộc sống, ngắm
nhìn những gì lướt qua mình, cố gắng không bỏ sót thứ gì. Đó là điều Angelo đã
nhắc tôi: hãy trân trọng những phút giây mình đang sống – cuộc đời này ngắn
ngủi, và ta chỉ được sống một lần.
Tôi
không còn muốn chụp được tấm ảnh làm rung chuyển thế giới hay những thứ tương
tự như thế.
Tôi
thấy vui khi ghi lại những hình ảnh thật về những người xung quanh. Bạn bè, gia
đình, hay thậm chí cả những người xa lạ – miễn tấm ảnh tôi chụp mô tả đúng tính
cách họ là được.
Tôi
đã chụp những mảng tường bong tróc loang lổ của một tòa chung cư sắp bị phá dỡ,
chụp đống đổ nát của một căn nhà bỏ hoang, đã chụp những đồng lúa chín vàng hay
con đường vòng vèo uốn quanh đỉnh núi, nụ cười của một người bạn thân hay đôi
mắt trong vắt và ngời sáng của một cô gái đang yêu.
Trí
nhớ của con người có hạn. Nhiếp ảnh giúp tôi ghi lại những thứ có thể tôi sẽ
quên theo thời gian, để cho ký ức sống mãi.
Ai
cần những tấm ảnh hoành tráng, ai mơ những tác phẩm vĩ đại – cứ mặc kệ họ. Tôi
chỉ muốn ghi lại cuộc sống như tôi thấy, như tôi cảm nhận, để nhắc bản thân
rằng mình đã sống như thế, đã mất rất nhiều để được không ít.
Nhiếp
ảnh, nó là nghệ thuật, là nghề nghiệp, hay là gì khác, tôi không quan tâm lắm.
Nhiếp
ảnh là một cây cầu – một đầu là tôi và bên kia là thế giới.
Hà Nội, tháng Năm 2010
(Sưu tầm - Không rỏ tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét