Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

MƯA ĐẦU MÙA

MƯA ĐẦU MÙA



Thánh lễ Phục sinh, năm 1981. Tại xã Trảng bom 2, huyện Thống nhất, tỉnh Đồng nai có một cơn mưa đầu mùa.
Chẳng ai nhớ! chỉ có mình tôi... có rất nhiều điều để nhớ...
Không phải là một kỷ niệm tình yêu, hay một rung động riêng tư, Tôi muốn nhắc lại thân phận của cả một thế hệ "trẻ trâu - lớp chuồng bò" gắn liền với cơn mưa đầu mùa đó.
Xin được chia sẻ điều này với các bạn "cùng thời" với mình.
Ngày ấy chúng tôi đang là học kỳ 2 của lớp 11 trường "chuồng bò", to đầu nhưng ngu ngốc cả đám, làm rẫy là chính học là phụ.
Đất rẫy Đồng nai chỉ cho phép con người gieo trồng vào mùa mưa, nhưng muốn gieo trồng vào mùa mưa phải làm quần quật cả mùa nắng, nào là phát rẩy, đốt rừng, dọn đất... Rồi gieo hạt chờ mưa.
Cả nhà tôi sống trông chờ vào rẫy, cả nhà chờ mưa, mưa đầu mùa.
Lúc ấy bọn học sinh "chuồng bò" như thế nào nhỉ ?
- Áo sơ mi, cổ lớn, quần ống loe phất phơ, con trai thì thích để tóc dài. Nhưng quần ống loe tóc dài lúc bấy giờ là phạm pháp. Mỗi lần, muốn lên đồ, đi chơi thì phải trông ngang ngó dọc, tránh né bọn du kích. Nếu bắt được, chúng ngang nhiên cắt tóc và ống quần của mình... Lúc ấy cả thế hệ "trẻ trâu" đi ra đường, đáng thương như ...một bầy có tội.
Sáng vác xe đạp từ nhà ra đến quốc lộ, xe đi rẫy, không vè, bánh căm lớn, cong lưng đạp 7 cây số đến trường, lớp học được mệnh danh "chuồng bò", bởi nó giống hệt các chuồng bò kế bên, chỉ khác là nó nhốt "trẻ trâu" chứ không nhốt bò. Tối về học bài bằng đèn dầu, không biết điện là gì, ti vi thì coi ké, 10 nhà mới có 1 nhà có ti vi trắng đen.. thế mà chúng tôi vẫn lớn... đáng nể, đáng nể... "bái phục" !
Tôi nhớ thằng "Hải lé" thân bồ tượng, nửa tây nữa ta đẩy xe thồ té kên té xuống, tôi nhớ thằng Kỳ Quân cũng to con đẹp trai, tóc chải ngược, để lộ lưỡi bò, mỗi mùa suốt lúa, mưa ướt, miệng nói không sao nhưng thân run như cầy sấy, tôi nhớ thằng Phúc Đức rủ tôi câu cá, tối về chất rơm nướng cá, làm cháy cả căn nhà trong rẫy... Nhớ nhiều..nhiều lắm. Lúc đó chúng tôi làm "dần công" cho nhau nên rất thân, cái thân như người nhà chứ không phải là bạn học.
Sáng đi học, chiều về đi rẫy, hạnh phúc của chúng tôi là thỉnh thoảng tranh thủ vào rừng qua xã lộ 25 đi củi về bán, hoặc theo người ta vào Bàu Hàm buôn lậu đậu nành và thuốc lá, nếu may mắn, sẽ có cơ hội dư được mấy đồng ...
Có được mấy đồng chúng tôi làm gì?..."Một cái đen, một đá chanh và 2 điếu hoa mai" ... bước vô quán, dõng dạc nói với chủ quán một lèo như thế, là... sướng đến tê người. Đó là tiêu chuẩn cao cấp của thanh niên tuổi 17 chúng tôi, khi may mắn dụ được bạn gái đi ra quán uống nước, thế thôi !... uống nước xong thì ai nấy xách dép, lội bùn, về nhà, không lèm nhèm "xôi chè" gì hết. Nghèo sao mà ... sạch đến tận cùng như thế. Sạch như một thiên thần...
Sản phẩm của rừng rẫy lúc ấy là đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, bắp...
Năm ấy, sau mấy tháng vất vả, hạt giống đậu và bắp đã được cả nhà tôi gieo vào lòng đất khô nóng, đó là cách làm theo kinh nghiệm nông nghiệp tại đây, theo dự kiến, trong vòng 10 ngày nếu có được một cơn mưa lớn, hạt giống sẽ nẫy mầm đồng loạt và chắc chắn sẽ đem lại vụ mùa bội thu. Nhưng đó chỉ là dự kiến...Nếu không mưa, sau 10 ngày, hoặc chỉ có một cơn mưa nhỏ, hạt giống sẽ hư thối, hoặc nẩy mầm không đồng đều... thế là...mất mùa !
Nhà tôi gieo hạt xong, khoảng 200kg đậu nành, đậu xanh, (lúc ấy giống được lấy từ Phương Lâm, cây số 175, với giá hạt giống rất cao) là cả một gia tài, cả nhà tôi đã đặt tiền lên chiếu bạc chờ trời mưa. Và... cả làng cũng thế, bọn "trẻ trâu" chúng tôi có tâm trạng giống nhau trong những ngày này. Chẳng biết lúc đó mấy ông thầy lớp 11 có biết: Mất mùa là chuyện lớn, học hành là chuyện nhỏ. Chúng tôi học bài: "vô sao nổi". Những bài vở còn lưu lại được một ít trong đầu, chẳng qua là may mắn.
Giờ nghiệm lại, hình như chúng tôi là thế hệ biết lo xa, nhờ vào đấu tranh sinh tồn với tự nhiên.
Một ngày, hai ngày.... rồi năm, sáu ngày Trời vẫn không mưa...
Cái xứ sở nhiều Nhà Thờ, sao không có Chúa... tôi thấy mẹ mình lặng lẽ lần chuổi hằng đêm khi mọi người đã ngủ.
Tối thì trăng quầng...chiều lại, mây tụ như bầy cừu... Chúa hiển linh, nhưng chắc tại ...loài người nhiều tội lỗi quá.
Cả làng Quảng Đà chúng tôi ai cũng nhìn trời và chờ đợi. Trong sự tuyệt vọng dần mòn... Tôi và họ trở thành nhà thiên văn, nhà dự báo thời tiết, nhà tiên tri và cả pháp sư nữa... tôi học các triết lý "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên" từ đó.
Có nơi đâu, chờ mưa như thế không?... sẽ không... chắn chắn không, và cái thời đó cũng qua rồi, hiện tại người làm rẫy ở Đồng nai cũng không hề chờ mưa như thế !
Ai cũng chờ mưa...mưa,mưa và mưa
Nhưng phải là một cơn mưa lớn, "mưa cho ra mưa" - ba tôi nói thế.
Đêm phục sinh, trời vẫn bình thường, tôi nghĩ rằng Chúa vắng nhà... thật vậy đêm ấy chúa chết thật mà! tang tóc phủ trùm lên cả ấp, mất mùa chưa chắc đã chết, sao mọi người buồn thế... họ buồn vì bị chúa bỏ quên.
---
Đêm ấy trời đổ mưa. Mưa lớn, trong lúc tôi đang ngủ, "trẻ trâu" mà!... lo thì lo, chứ ngủ thì cứ ngủ.
Chúa đã sống lại !
Tôi thức giấc, ba mẹ tôi chưa hề ngủ, ba tôi mỉm cười, mẹ tôi khóc lặng lẽ, giọt nước mắt sung sướng chảy xuống. Và tôi biết rằng kinh tế gia đình tôi thê thảm hơn tôi tưởng nhiều, ba mẹ đã cố giấu tôi. Không mưa, có thể... tôi phải nghỉ học !
Ba tôi triết lý : "phải có niềm tin... và sau này làm việc gì cũng phải tới nơi tới chốn như cơn mưa này, thì mới mong giúp ích cho đời"- so sánh thấy không chuẩn, nhưng tôi nhớ hoài...hà ,hà....
Ngày hôm sau, đường sá sình lầy, tôi tự ý nghĩ học ngày hôm ấy, nói dối với mẹ, nhà trường cho ở nhà ôn thi... tôi lặng lẽ thu mình vào trong một xó nhà. Tôi biết, thân "trẻ trâu" của tôi, còn ngu lắm trong cuộc đời này !
Còn bao nhiêu cơn mưa sẽ tới, trong cuộc đời này mà tôi phải đợi.
Là một cơn mưa mang nỗi niềm của một thế hệ, tôi muốn được chia sẻ với tất cả các bạn học "cùng thời".
Có ai ... đã và đang chờ cơn mưa đầu mùa như tôi không?...

-------------------------------------------------

NGUYỄN HOÀNG ẤN  23/7/2014
Bài viết đăng trên trang "HỌC SINH TRƯỜNG THỐNG NHẤT A" 1979-1982
Lưu lại đây để làm kỷ niệm

THÁC ĐA HÀN

THÁC ĐA HÀN

Tự dưng bổng nhớ tới một địa danh trong ký ức của tuổi học trò, viết lại để cùng chia sẻ...Bây giờ, chẳng biết thác có còn đẹp không? Riêng, đối với tôi - ngày xưa ấy... Thác đẹp lạ lùng, cho dù bây giờ có biết đến 1000 thác khác, thì chẳng có nơi nào sánh bằng thác Đa hàn của ngày xưa... của tôi.
Thác "Đa hàn" cách trường "chuồng bò" khoảng chừng 3 cây số, nếu ngẫu hứng, cúp học hẹn nhau, thì chỉ cần 15p sau là có mặt.
Không biết từ đâu nước hội tụ về đây, trong vắt trải rộng trên nền đá trước mặt rồi mới gom bi, chảy xuống hồ sâu khoảng 6 m, tạo thành thác, nước chảy trắng xóa mát lạnh.Nước chảy riết thành hồ, hay hồ sâu làm nên thác...tôi không biết ! Tôi chỉ biết ngày ấy tôi ngất ngây thật sự khi đến đây.
Quá sợ hãi mấy tiết "tiếng Anh" của ông Tình...chúng tôi trốn ra đây. Nhảy cái ùm từ đỉnh dòng thác xuống hồ, ngâm mình trong dòng nước, nằm ngữa trong lòng hồ như một cáo ao tròn vành vạnh, chung quanh bao phủ bởi rất nhiều cây ...thật đẹp. cây lớn mọc kín triền dốc theo 10m chiều cao, ôm lấy hồ nước. Mặt trời 10g (giờ vàng cúp học) chiếu qua cây rọi xuống hồ xuống thác, huyền ảo và thần tiên lắm.
Thiên đường của tôi là đây! Ngày ấy lớp 11, sức trai tuổi 17, đứa nào đứa nấy được ruộng rẫy Trảng Bom nhộm đen bóng, cái tuổi ăn tuổi lớn, không biết sợ là gì, bảy tám thằng náo động, còn ồn ào hơn cả thác. Thác hoang sơ giữa đồng vắng không một bóng người, bọn "trẻ trâu" chúng tôi là chủ.
Chúng tôi là ai ? (ngày ấy đám mất dạy này, chỉ gọi nhau bằng tên cha mẹ) là anh Lê Kháng, Lê Bảy, Hà Thiện, Hồ Tân, anh Hồng, chị Cả Bác....nhiều lắm, quên hết một nữa rồi... Ai nhớ bổ sung dùm.
Nào là hè nhau bẩy đá cho rơi xuống hồ, đá nặng cả 100kg rơi xuống hồ từ độ cao 10m... đá rơi ầm ầm, nước văng cao tung tóe, rồi chặt chuối làm bè, rồi lặn hụp, rồi trốn vòng sau làn nước của thác. Cả đám, đầu óc trong veo, hòa mình lẫn vào trong hồ, trong thác, như những chú bé rừng xanh, không hề bợn một chút nghi ngại, hay sợ hãi (điều mà trẻ em bây giờ - khôn quá - nên không có được)
Lúc ấy - xe để đâu, áo quần sách vở để đâu... ? tôi nhớ không rõ lắm, hình như là dắt theo triền dốc để ở mép nước, hồi ấy chỉ sợ bạn lấy mất quần mặc về hơn là sợ kẻ gian lấy mất xe, hồ tròn vạnh đường kính mép nước khoảng 50m, nước mát lạnh được rót vào từ một nguồn duy nhất là thác, rót nhẹ nhàng và mãi mãi, như ta nhẹ nhàng rót nước vào thau. Nước sạch đổ vào đầu bên này, nước dơ tự động được chảy đi ở đầu bên kia một cách tự nguyện, đơn giản và nhẹ nhàng (100 cái máy lọc của kênh Nhiêu lộc cũng không làm được điều này...)
Rồi ... bao nhiêu chữ nghĩa rắc rối mới lượm được từ "chuồng bò", cũng được thanh lọc hết. Ông Hùng, ông Thắng, ông Tình...chỉ cần nhảy một cái "ùm" tôi dẹp bọn họ hết sang một bên. Nhẹ vô cùng, sướng vô cùng.
Tìm đâu ra một hồ bơi nào trên trái đất này hơn được cái Thác Đa hàn của tôi ngày xưa. Các hồ bơi của Sài gòn, các hồ bơi của các resort 5 sao, nếu đặt bên cạnh thác Đa hàn, chỉ giống như món đồ chơi bằng nhựa mũ, xanh đỏ, rẻ tiền, đặt bên một báu vật của tự nhiên... "đồ điên"...tắm gì mà tắm, nước hồ thì xanh loét, còn đổ hóa chất cay xè... Tắm là... ung thư đó con !...
Giờ đây, khi làm thiết kế các hồ bơi theo phong cách tự nhiên, tôi cũng cố gắng làm thêm thác chảy, trồng cây, kê đá...giả rừng giả rú... chiếu đèn xanh, đèn đỏ, xuyên qua cây, qua nước... đẹp lắm! ai cũng khen. Nhưng tôi tự biết : so với cái "thác Đa hàn" trong tiềm thức ngày xưa... nó giả tạo, ngô nghê và thô thiển vô cùng.
Ngày xưa đã qua, hơn 30 năm rồi. Tôi viết để nhớ lại một địa danh đẹp của tuổi học trò đã từng lưu dấu trong ký ức của mình cho đến bây giờ. Để chia sẻ với anh em lớp "chuồng bò".
Còn ai... nhớ thác "Đa hàn" ngày xưa như tôi không?...

P/s. Có người gọi nó bằng thác Đá Hàn, nhưng tôi thích tên là "Đa hàn" hơn!
-------------------------------------------------

NGUYỄN HOÀNG ẤN  22/7/2014
Bài viết đăng trên trang "HỌC SINH TRƯỜNG THỐNG NHẤT A" 1979-1982
Lưu lại đây để làm kỷ niệm