Tôi viết bài này để khóc cho một dòng sông đã chết: Sông "Vu Gia" của tôi.
Quê tôi: xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Mảnh đất trù phú được nuôi dưỡng bởi dòng sông Vu Gia.Trước đây. Tôi có một tuổi thơ êm đềm bên sông, sông đầu nguồn nước trong xanh ngọt lịm, đất dọc hai bên bờ sông gọi là "đất Cồn" trồng dưa hấu, trồng ớt... Bên phía trong giáp làng gọi là "đất Nà" trồng dâu, trồng bắp, trồng đậu. Còn trong nữa là đồng lúa mỗi năm ba vụ bạt ngàn, kéo dài từ Thuận Mỹ, Minh Tân, Phú Phước, qua Mỹ Nam, Mỹ Đông, Gia Cốc, Phú Thuận...Bên kia sông gọi là "đất Gành" trồng bắp, lúa, đậu. Mọi người dân quê tôi có cuộc sống bình yên quây quần bên sông như bầy con nhỏ bám quanh "mẹ hiền".
Chiều về, Chị tôi giặt đồ trên bến sông, tôi thì tha hồ ngụp lặn, cùng nhau chờ ba mẹ làm Gành về trên chuyến đò ngang - "đò ông Khê". Đò ông Khê, lúc nào về chiều cũng đông đúc, gọi là đò ngang chứ thực sự nó chỉ là một chiếc ghe lớn của gia đình chú Khê, đứng ra chở dân trong thôn qua lại trên sông, thù lao cho chú có thể là vài đồng một chuyến, hoặc cuối mùa là một thúng bắp.
Chúng tôi chỉ là một bầy trẻ nhỏ, tuổi từ 12 đến 15, chúng tôi yêu sông lắm... lắm.
Mùa khô dòng sông trong vắt. Nước không phủ tràn, nhưng 100m bơi vượt chiều ngang, cũng đủ làm cho một thằng bé kình ngư tuổi 13 ngao ngán. Ngày ấy, tôi quần cụt, đầu trần, chân đất nhận nhiệm vụ của bà đi hái rau heo. Thế là ... tôi có cả một thế giới tuổi thơ bên cạnh dòng sông của mình, đất Cồn dọc sông, rau cỏ mọc xanh rì, chỉ trong vòng 15 phút tôi đã có một bao rau to tướng, thời gian còn lại chúng tôi dành cho sông, sông mát lạnh giữa buổi trưa hè, tôi nằm ngữa thả mình cho trôi theo sông. Trôi đến đâu... không sợ. Bởi vì: cả khúc sông này đều là nhà của chúng tôi.
Chúng tôi quen nó, chúng tôi hiểu nó và chúng tôi thuộc lòng nó ... từ Hà Nha rồi đến cồn Phụng Minh, bến ông Quỹ Thú, bến Chợ Phường Đông.... rồi xuống nữa là bến đò ông Khê, bến Gia Cốc... Cầu Chìm, Núi Lỡ...tôi biết hết, tôi thuộc hết. Tôi thông thuộc dòng sông này như thông thuộc đồ đạc trong nhà mình. Ngày đó... tôi ở cạnh dòng sông còn nhiều hơn tôi ở nhà, hoặc tới trường.
Sông bắt đầu từ đâu và chảy về đâu?. Tôi cũng không rõ lắm. Tôi chỉ hiểu, nó bắt nguồn từ đâu đó rất xa trên thượng nguồn "Hiên - Giằng" huyền bí, qua rất nhiều ghềnh thác được thanh lọc thật kỹ trước khi tưới mát cho quê tôi. Rồi sau đó sông chảy về Cầu Đỏ, Thu Bồn, sông còn làm nguồn sống cho rất nhiều người ở phía cuối dòng.
Tôi nhớ lắm: Những chuyến ghe chở "Lòn bon, trái Sim" xuôi dòng từ Hiên, Giằng, trên thượng nguồn về cập bến "sông tôi", tôi nằm trong số bầy trẻ nhỏ nghịch ngợm bơi bám quanh ghe, lấy trộm trái cây.
Tôi nhớ lắm: Hình ảnh những người nối nhau chuyền dưa chất đầy ắp những chuyến ghe, cho đến khi nhìn xuống ghe chỉ thấy dưa, không thấy ghe đâu nữa, Những trái dưa hấu của đất cồn sông Vu Gia tròn trịa ngọt lịm và to lớn lạ thường, lớn hơn cả cái thùng gánh nước. Ghe dưa ngày ấy, được xuôi dòng về Ái Nghĩa, rồi đi mãi về nơi đâu... xa lắm, tôi không rỏ.
Tôi nhớ: Những buổi bình minh trên sông, tôi qua đò ngang đi học tại Ái Nghĩa, mặt trời lên, từ dòng nước lấp loáng, dát vàng trên sông, con đò chú Khê chống sào, rẽ lối vàng ... đưa tôi đi học. Đâu đó, trên mặt nước còn mờ hơi sương, có tiếng "hú" gọi nhau của bạn hàng đò dọc, có tiếng "ơi, ới" gọi đò ngang.
Có bao nhiêu chuyến đò ngang và bao nhiêu con đò dọc đã đi qua bến sông này: Đò ngang Gia Cốc, đò ngang Cầu Chìm, đò ngang ông Khê, đò ngang Chợ Chiều...Đò dọc Cấm Mùn, Hà Nha, Mỹ Hảo, Cầu Chìm, Ái Nghĩa.. nhiều lắm! Tôi không nhớ hết. Tôi chỉ nhớ dòng sông Vu Gia quê tôi ngày xưa: dọc ngang nhộn nhịp lắm !
Chuyện lớn, chuyện nhỏ, của làng quê, được mọi người "tỉ, tê" cho nhau nghe, trên những chuyến đò.
Tôi nhớ: Những buổi trưa hè, bên dòng sông mát lạnh, tôi đi dọc theo triền cát, câu những con cá bống cát. Ngày ấy cá nhiều lắm, giật liên tục, Một nồi cá bống kho tiêu của bà, tôi dễ dàng mang về sau một tiếng. Tôi đi dọc theo bờ, sông tràn vào trong cát, cát nhoài vào sông, vòng vèo, quện vào nhau, ôm bàn chân tôi... như níu giữ.
Tôi nhớ: Những buổi chiều trên sông, hết giờ làm Gành, mọi người vội qua đò ngang trở về nhà, tiếng gọi đò, tiếng bì bõm của đàn bò lội qua dòng sông, dòng sông trở thành điểm hẹn sáng chiều của cả làng. Họ kể chuyện cho nhau, họ tranh luận, và họ tắm trước khi về nhà. Quê tôi, họ không tắm ở nhà - sông là bến tắm.
Tôi nhớ: Những buổi tối trên sông, trăng soi vằng vặc có ai đó đang giặt đồ... "Người con gái đẹp nhất có lẽ là cô gái gội đầu bên sông", và ... tôi cũng đã có những rung động đầu đời từ... bến Vu Gia !.
Trai gái quê tôi, hầu hết họ gặp nhau và bắt đầu tình yêu từ bến sông, có lẽ... Họ yêu nhau bởi vì trong họ đã có một tình yêu chung: "yêu dòng Vu Gia"
Tôi nghe kể rằng dòng sông này linh thiêng lắm: Đứng bên dòng sông này "cầu được ước thấy". Dân làng Mỹ Hảo, Đại Phong thường cầu mưa thuận gió hòa, tại bến sông này. Sông chưa bao giờ phụ lòng người.
...
Từ dòng sông này tôi lớn lên.
Từ tầm nhìn trên một bến sông, tôi hiểu ra: Sau lũy tre làng, cuộc đời còn rộng lớn lắm. Khi được soi bóng xuống sông, tôi mới nhận ra rằng: Bầu trời trong xanh lắm, mây trời đẹp lắm, và làng quê tôi thanh bình lắm.
...
Tôi xa quê vào năm 1980. Sau 33 năm tôi trở lại, dòng sông của tôi không còn nữa.
Sông "Vu Gia" của tôi, đã chết !...
Tôi nhìn ngược về đầu nguồn, vẫn còn đây núi "Cấm Mùn", tôi lại nhìn xuống phía hạ lưu, vẫn còn kia "Núi Lỡ". Vậy con sông của tôi ... đâu rồi ?.
...
Chẳng còn nữa, những bến sông nhộn nhịp.
Chẳng còn nữa những tiếng "ơi, ới" gọi đò.
Chẳng còn nữa những buổi trưa hè, với những chuyến ghe xuôi dòng "Lòn bon, Dưa hấu" .
Chẳng còn nữa những đêm trăng trên bến, dưới thuyền... những lần hẹn hò vụng dại.
Sông Vu Gia chết. Quê hương trong tôi cũng trở nên héo úa.
Lẽ nào ... sông có thể "chết". Có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ, khi tôi cất tiếng hỏi mọi người: Tại sao... tại sao... tại sao?
Ai đã giết con sông này?...
Tôi đi dọc lòng sông khô cạn, mà lòng mình nặng trĩu. Hình như tôi vừa mất điều gì thân yêu... mãi mãi... Ngọn gió khô rát, thổi bụi phủ mờ trên lạch nước đỏ ngầu. Hai bờ đất cồn xanh rì ngày xưa chỉ còn bơ phờ một đám cỏ tranh vàng úa.
Tang tóc đang ở đâu đó quanh đây, nơi bến đò "ông Khê" ngày nào đầy ắp tiếng cười. Ráng chiều phủ trên đáy dòng sông khô, tạo thành một màu "địa đàng" đỏ úa.
Sông "mẹ" chết, mà "con" không khóc được, chỉ nghèn nghẹn trong lòng. Căm giận, nhưng chẳng biết mình phải giận ai bây giờ ?.
- Giải thích làm sao đây với con tôi, khi tôi từng kể rằng: "Quê mình có ...một dòng sông"
- Giải thích làm sao đây với ba tôi, khi ông luôn mơ được trở về: "Một bến sông Quê"
Sông chết, đất đai khô cằn, hoa màu không canh tác được, Cồn dưa, Gành đậu, Nà dâu, Đồng lúa, trở thành đất chết. Thanh niên trong làng bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực, thôn làng tôi trở nên hiu quạnh, chỉ còn lại người già, và cỏ tranh.
Sông "mẹ" chết rồi, con cái bơ vơ...
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất nơi vùng quê "Đại Lộc", người chết rất nhiều mà sông không chết. Sông vẫn lặng lẽ làm nhân chứng cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, sông vẫn âm thầm bồi đắp mầm sống cho đôi bờ, mặc cho bom rơi đạn nổ.
Quê hương ngừng tiếng súng, sông Vu Gia bao dung làm nguồn sống chia đều cho những đứa con hai bên chiến tuyến, sông chia nước đều cho cả Quốc gia và Cộng sản... Sông không phụ người, sao người nỡ phụ sông!
Sông Vu Gia là thế, sông hiền lành như "mẹ".
Loài người ơi!... sao lại nỡ giết "mẹ"... của mình.
Họ nói với nhau rằng: Để nhanh chóng tiến lên XHCN, đầu nguồn sông được xây dựng 7 đập thủy điện: Thủy điện A Vương, thủy điện Sông Boung 2, thủy điện Sông Boung 4, thuỷ điện Sông Giằng, thủy điện Đak Mi 1, thủy điện Đak Mi 4, thủy điện Sông Côn 2.
Làm thủy điện là nhất định phải giết chết sông hay sao?... Đừng đổ thừa vì điện, vì ... dân.
Làm dự án thủy điện ở thế kỷ 21, mà không tính được lưu lượng của một dòng sông, không tính được tác động của công trình vào môi trường. Chuyện này chỉ có ở ...Việt Nam!.
Còn con đường nào... Để cứu Vu Gia không ?...
Hởi "Quảng Nam - địa linh nhân kiệt" có đứa con xa quê hôm nay trở về, đang lặng lẽ đứng ngậm ngùi giữa lòng đáy sông khô cạn. Sông "Vu Gia" đã chết. Mạch máu của đất Quảng từ nay sẽ ngừng chảy cho đến ... bao giờ !.
Tôi đứng đây tự trách mình, sao không kịp về ... cứu lấy Vu Gia
Về quê không thấy sông, như đứa con tìm về nhà mà không thấy mẹ !.
Ai đã giết chết dòng sông của tôi ? .
Không tha thứ được... Tôi không thể nào tha thứ được ./.
----------------------------------------------------------------
Nguyễn Hoàng Ấn - 16/8/2014